Thursday, October 30, 2014

Bí Ẩn chuyện tránh thai của các Phi tần, Cung nữ

Bí Ẩn chuyện tránh thai của các Phi tần, Cung nữ



Thông thường, sau khi nhập cung, người con gái xem như đã yên bề gia thất. Và Hoàng đế chính là chồng chung của hàng trăm, ngàn vạn mỹ nhân trong chốn hậu cung.

Theo nhiều sử liệu, quy định trong Tử Cấm Thành rất nghiệm nhặt. Vào thời Minh, không ít đấng quân vương vì ham mê tửu sắc mà bỏ bê chính sự, thậm chí ở thời Gia Tĩnh còn xảy ra chuyện cung nữ suýt xiết cổ chết Hoàng đế.

 Những bài học xương máu ấy khiến vương triều nhà Thanh thít chặt kỷ cương, buộc đấng thiên tử phải thấm nhuần tư tưởng “không chìm đắm trong sắc dục”.

Từ thời Thuận Trị trở đi, vương triều càng tăng cường quản lý hậu cung.

Hoàng đế và đám phi tần phải sống trong những tẩm cung riêng. Mỗi người sở hữu một thiện phòng (phòng ăn).

Ngoài những ngày lễ hội, những đại lễ trong năm, đấng quân vương và đám phi tần không được phép ngồi ăn cùng bàn, càng không có chuyện sống chung một phòng.

Khi muốn ân ái với hậu phi nào, việc trước tiên của hoàng đế là phải chọn ra “lục đầu bài” của hậu phi ấy. “Lục đầu bài” hay còn gọi là thiện bài, ý chỉ một thanh trúc mỏng dài, trên đầu sơn màu xanh. Trên thẻ ấy có ghi rõ minh hiệu, tên họ, xuất thân, giản lịch… của các hậu phi. 

Mỗi người có một thẻ. Hằng ngày, viên tổng quản thái giám của Kính sự phòng có nhiệm vụ đặt những “lục đầu bài” này lên mâm bạc cho vua lựa chọn. 

Phi tử nào đang trong kỳ kinh nguyệt, tổng quản thái giám sẽ khéo léo cắm thẻ bài của người đó nghiêng lệch đi, hoàng đế chỉ cần trông vào là tỏ tường, rồi chuyển hướng lựa chọn sang các phi tần khác. 



Hậu phi nào may mắn được vua “nhắm trúng”, sẽ phải tắm rửa cho sạch sẽ, rồi dùng tấm chăn mỏng đoạn vàng bằng lông tơ quấn chặt quanh mình.

Nàng ta sẽ được thái giám cõng đến tẩm cung của hoàng thượng. Sau khi đặt người đẹp xuống đất, thái giám sẽ thoăn thoắt cởi chiếc chăn khỏi tấm thân ngọc ngà của mỹ nữ ra rồi lại giúp hoàng đế trút bỏ y phục, đắp lên mình vua một chiếc chăn sao cho chỉ để hở mặt và đôi chân.

Xong xuôi mọi sự, thái giám khe khẽ rút ra, để lại phi tần này ở lại bên cạnh hoàng đế.

Để đảm bảo an toàn, kể từ thời Ung Chính trở đi, những mỹ nhân nào được vua ưu ái lựa chọn, đều phải tuân theo quy tắc ngặt nghèo lúc “lên giường” với bậc đế vương. Các nàng chỉ được phép nhẹ nhàng vén một góc chăn dưới chân hoàng đế rồi trườn lên phía trên. “Hành sự” xong, hậu phi này cũng phải khẽ khàng “rút lui” dưới chân vua. 

Sau hai tiếng đồng hồ, bọn thái giám sẽ đứng ngoài cửa sổ đồng thanh xướng lớn: “Tới giờ rồi!”, cốt để bậc đế vương và người đẹp nghe rõ. 

Nếu bên trong không động tĩnh gì, bọn họ lại xướng tiếp lần hai rồi lần ba. Tới lúc này, hoàng đế buộc phải kết thúc “cuộc vui”, truyền gọi thái giám vào trong. 

Viên thái giám sẽ nhanh nhẹn quàng chăn cho phi tử để sẵn sàng cõng nàng ta về tẩm cung của họ. 

Trước khi rời đi, thái giám sẽ hỏi kỹ hoàng đế một câu: “Lưu lại hay không?”. Nếu hoàng đế gật đầu mà rằng: “Lưu lại!”, lập tức tên tuổi của vị phi tần này cùng thời gian lâm hạnh sẽ được thái giám ghi chép cẩn thận trong “Hạnh cung bộ”. 

Mục đích của việc này là đợi tới khi vị phi tần ấy mang thai sẽ đem ra tra cứu xem ngày giờ có trùng khớp và giọt máu ấy có đích thực là máu mủ của vua hay không. 

Nhưng nếu hoàng đế dứt khoát nói “không”, thái giám sẽ dùng tay ấn nhẹ vào giang mạch (hay còn gọi là hậu cổ huyệt) của vị phi tần này khiến đám “long tinh” xuất sạch khỏi âm đạo người nữ. 

Đó chính là chiêu điểm huyệt tránh thai để mỹ nữ vừa trải qua trận "mây mưa" không thể mang trong mình cốt nhục của nhà vua. 

Cũng có khi, vị phi tần ấy phải uống thuốc tránh đậu thai. 

Nếu đứa trẻ đã thành hình trong bụng, nàng ta sẽ bị buộc uống thuốc cho sẩy ra. Nhiều sử liệu còn ghi chép những câu chuyện rùng rợn, hãi hùng về các bà hoàng độc ác âm thầm tẩm thuốc độc vào món ăn hay cho thêm vào thức uống để giết chết giọt máu đang dần lớn lên trong cơ thể của đám phi tần, mỹ nữ trong cung. 

Tới thời Hàm Phong, chuyện hoàng đế không được ở chung với hậu phi vẫn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Nếu vị vua nào lỡ làm trái với lời di huấn của tổ tiên, hoàng hậu có quyền nhắc nhở, khiển trách. 

Dẫu đứng đầu thiên hạ, nhưng trong chuyện này, bậc thiên tử cũng không dám phản bác lại. Hoàng hậu chính là trung cung, nên còn có quyền xử tội những phi tần dám cả gan dụ dỗ, quyến rũ đấng quân vương quấn quít bên mình mà bỏ bê, chán chường chính sự. 
Theo Báo Đất Việt


Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện xưa, tích cũ | Powered by Blogger